Ngành điện cần thay đổi tư duy về giá điện
Với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng, từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng.
Năng lượng thiếu hụt đang hiện hữu
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), những vấn đề liên quan đến phát triển hệ thống năng lượng như dự trữ chiến lược dầu, năng lực lọc dầu, điện hạt nhân và liên kết hệ thống năng lượng, các mục tiêu đặt ra chưa đạt được hoặc đã không còn phù hợp.
Đơn cử như chỉ tiêu công suất lọc dầu đặt ra đến năm 2020 đạt khoảng 25-30 triệu tấn dầu thô, nhưng dự báo đến năm 2020, công suất lọc dầu chỉ đạt khoảng 16,5 triệu tấn. Với chỉ tiêu dự trữ chiến lược xăng dầu, mục tiêu đặt ra là bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia đạt 45 ngày tiêu thụ bình quân vào năm 2010 và 60 ngày vào năm 2020, song tính đến năm 2015, dự trữ quốc gia mới đạt 9,5 ngày và hệ thống dự trữ quốc gia chưa có kho dự trữ riêng…
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít thách thức. Đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi.Trong liên kết hệ thống năng lượng cũng có nhiều khó khăn, khi chiến lược cũng đặt ra mục tiêu liên kết lưới điện khu vực cấp điện áp 500kV từ năm 2010-2015, liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực từ năm 2015-2020. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua bán điện với Trung Quốc, Lào và Campuchia chủ yếu được thực hiện qua các đường dây 220kV. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được liên kết hệ thống khí tự nhiên khu vực...
Bên cạnh đó, thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.
“Hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng, tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia", ông Thành nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Hoàng Quốc Vượng, nguy cơ thiếu điện sẽ bắt đầu ngay trong những năm đầu tiên của giai đoạn 2020-2030, đỉnh điểm sẽ là năm 2022. Đó là chưa kể tốc độ tăng trưởng phụ tải có thể tăng cao hơn so với dự báo.
“Dự báo mới đưa ra tăng trưởng đến năm 2025 chỉ khoảng 9% và sau năm 2025 là khoảng 8%. Nhưng nếu nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, nhu cầu điện tăng cao hơn; các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy điện ở hai trung tâm khí lớn là Ô Môn và khu vực miền Trung, ở Dung Quất và Chu Lai đi vào hoạt động chậm thì khả năng thiếu điện còn trầm trọng hơn”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu rõ.
Còn theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo điện nói riêng, đảm bảo an ninh năng lượng nói chung, đặc biệt là trong bối cảnh đã quyết định dừng xây dựng các dự án điện hạt nhân nhưng các nguồn điện thay thế cho điện hạt nhân chủ yếu là năng lượng tái tạo còn đang gặp nhiều vướng mắc.
Cung - cầu năng lượng sao cho hợp lý?
Đưa ra những giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán an ninh năng lượng cho Việt Nam trong những năm sắp tới, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tận dụng thời cơ, đẩy mạnh hơn hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời làm chủ các các công nghệ mới, bền vững như công nghệ điện gió và điện mặt trời.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đảm bảo sản xuất 265-278 tỷ kWh điện vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030, cần đảm bảo tốt đồng hành hai giải pháp là kiểm soát nhu cầu phụ tải và đảm bảo về nguồn cung ứng điện.
Trong đó, việc kiểm soát phụ tải cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện, ưu tiên cho khu vực miền Nam. Trong đó, cần có cơ chế của nhà nước để đẩy mạnh chương trình điều tiết phụ tải. Để đảm bảo nguồn cung, ông Hải cho rằng, cần hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào vận hành các công trình nguồn điện, đặc biệt ở phía Nam.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trước hết phải giải quyết được những khúc mắc nội tại của ngành điện. Ngành điện cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, xử lý ở khía cạnh tiêu dùng, nghĩa là giải quyết vấn đề về giá điện, thay vì chỉ đi lo làm sao sản xuất cho đủ nguồn cung điện như hiện nay.
PGS.TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn cho rằng, tư duy đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào nền tảng sinh tồn. Trong khi để phù hợp với thời đại, cần thay đổi cơ chế về đảm bảo an ninh năng lượng, quản lý nhu cầu năng lượng trong đảm bảo an ninh năng lượng mới là vấn đề cốt lõi cần quan tâm. Cách tiếp cận để giải bài toán năng lượng phải nằm trong sự phát triển của nền kinh tế, phải thay đổi và tính toán giá điện theo cơ chế thị trường, do thị trường quyết định./.